Tour Tây Tạng Trung Quốc hành trình đến vùng đất linh thiêng với dãy Himalaya hùng vĩ, tu viện cổ kính và văn hóa Phật giáo độc đáo. Trải nghiệm sự thanh tịnh và cảnh quan tuyệt đẹp tại Tây Tạng. Nơi đây thu hút du khách bởi những ngôi... Xem thêm
Chúng tôi tự hào phục vụ hơn 100.000+ lượt khách mỗi năm
Cam kết những trải nghiệm tuyệt vời thông qua mỗi hành trình với sự đa dạng và phong phú trong các tuyến điểm du lịch
Các tour trọn gói từ A-Z, không phát sinh chi phí thêm, giúp khách hàng yên tâm về chi phí và tập trung tận hưởng chuyến đi
Bồi hoàn nếu chất lượng tour không đúng như cam kết, đảm bảo sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng
Chúng tôi luôn đồng hành và hỗ trợ Quý khách 24/7, để đảm bảo mọi hành trình của bạn diễn ra suôn sẻ và trọn vẹn
Tây Tạng, vùng đất huyền bí nằm trên dãy Himalaya, từ lâu đã thu hút du khách khắp nơi trên thế giới bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và di sản văn hóa độc đáo, kỳ thú. Đây không chỉ là nơi hội tụ những ngọn núi cao chót vót, thảo nguyên bao la và hồ nước trong xanh, mà còn là trung tâm tôn giáo với nhiều tu viện cổ kính, các nghi lễ Phật giáo đặc sắc và lối sống gắn liền với tín ngưỡng lâu đời. Du lịch Tây Tạng luôn gợi lên trong lòng du khách cảm giác tò mò và khao khát khám phá, với những trải nghiệm khó quên từ văn hóa, ẩm thực đến cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa.
Khu tự trị Tây Tạng nằm ở phía tây nam của Trung Quốc, được mệnh danh là “mái nhà của thế giới” do có độ cao trung bình lên tới 4.500 mét so với mực nước biển. Vùng này tọa lạc trên cao nguyên Tây Tạng - cao nguyên lớn nhất và cao nhất thế giới, có diện tích rộng lớn với địa hình chủ yếu là núi non và cao nguyên, tạo nên bức tranh thiên nhiên hoang sơ, đẹp ngút ngàn.
Khí hậu Tây Tạng mang tính chất khắc nghiệt do ảnh hưởng của độ cao, có sự khác biệt lớn giữa ngày và đêm. Ngoài ra, Tây Tạng còn là nơi phát nguồn của nhiều con sông lớn quan trọng ở châu Á như sông Dương Tử (Trường Giang), sông Mekong và sông Hằng. Địa hình và khí hậu độc đáo này không chỉ mang đến cảnh quan du lịch Tây Tạng tuyệt đẹp mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và văn hóa của người dân nơi đây.
Đây cũng là cửa ngõ để du khách có thể khám phá nhiều vùng du lịch nổi tiếng giáp ranh giới Tây Tạng như:
- Tân Cương: Du khách từ Tây Tạng có thể dễ dàng di chuyển lên phía bắc để đến Tân Cương, ngắm kỳ quan thiên nhiên hẻm núi Thiên Sơn, sa mạc Taklamakan và trải nghiệm bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Duy Ngô Nhĩ.
- Tứ Xuyên: Ngay cạnh Tây Tạng là tỉnh Tứ Xuyên, nơi nổi tiếng với Khu bảo tồn thiên nhiên Cửu Trại Câu đẹp say đắm lòng người với hệ thống hồ nước xanh biếc và rừng nguyên sinh. Tứ Xuyên cũng là nơi có núi Nga Mi - một trong tứ đại Phật giáo danh sơn của Trung Quốc.
- Thanh Hải: Cách không xa Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải nổi bật với hồ Thanh Hải - hồ nước mặn lớn nhất Trung Quốc, và cảnh quan nên thơ, kết hợp giữa núi non, thảo nguyên xanh mướt, thu hút du khách yêu thiên nhiên và nhiếp ảnh đến khám phá.
- Nepal: Tây Tạng giáp biên giới với Nepal, nơi du khách có thể trải nghiệm Kathmandu - thủ đô nổi tiếng với các di sản văn hóa và các khu đền thờ cổ kính. Ngoài ra, Nepal còn là điểm khởi đầu cho những hành trình chinh phục đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, nằm giữa biên giới hai quốc gia.
- Bhutan: Gần với Tây Tạng, Bhutan là một quốc gia nhỏ nằm giữa dãy Himalaya, mang lối sống hòa hợp với thiên nhiên và sở hữu nhiều tu viện Phật giáo ấn tượng.
- Ấn Độ: Tây Tạng tiếp giáp với bang Sikkim ở miền bắc Ấn Độ, nơi có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và các điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Du khách cũng có thể đến Leh-Ladakh, vùng đất nổi tiếng với những đỉnh núi tuyết, hồ nước xanh ngọc và nền văn hóa Phật giáo gần gũi với Tây Tạng.
Nằm ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng, cung điện Potala là biểu tượng văn hóa và tôn giáo thiêng liêng nhất của vùng đất này. Được xây dựng vào thế kỷ thứ 7 và mở rộng vào thế kỷ 17, Potala từng là nơi ở của các Đạt Lai Lạt Ma - những nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng. Với vị trí nằm trên đồi Marpo Ri ở độ cao hơn 3.700 mét so với mực nước biển, Potala là một trong những kiến trúc cao nhất thế giới, thể hiện sự uy nghi và vĩ đại.
Cung điện Potala được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1994 nhờ kiến trúc độc đáo và giá trị lịch sử to lớn. Cung điện bao gồm hai phần chính: Bạch Cung (White Palace) và Hồng Cung (Red Palace). Bạch Cung là nơi cư ngụ và làm việc của các Đạt Lai Lạt Ma, còn Hồng Cung là nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo quan trọng, chứa đựng các bảo tháp của những Đạt Lai Lạt Ma đã qua đời và nhiều hiện vật quý giá như tượng Phật, kinh điển Phật giáo.
Potala cao 13 tầng với hàng ngàn phòng, bên trong chứa đựng hàng loạt kho báu văn hóa và nghệ thuật như tranh thangka, bích họa và tượng điêu khắc tinh xảo. Kiến trúc của cung điện pha trộn hài hòa giữa các yếu tố truyền thống Tây Tạng và phong cách kiến trúc của các vùng xung quanh, tạo nên một kiệt tác độc đáo có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử Phật giáo. Du khách đến thăm cung điện Potala sẽ không chỉ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tráng lệ của công trình, mà còn bởi không khí tâm linh sâu sắc bao trùm nơi đây.
Tu viện Jokhang, được xây dựng vào thế kỷ thứ 7, là nơi thiêng liêng nhất của Phật giáo Tây Tạng. Tu viện này tọa lạc tại trung tâm thành phố Lhasa và thu hút hàng nghìn Phật tử mỗi năm hành hương từ khắp nơi đến cầu nguyện. Được xây dựng dưới thời vua Songtsen Gampo - một trong những vị vua quan trọng của nơi đất Phật, tu viện Jokhang được thiết kế theo sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng. Điểm nổi bật nhất của tu viện là bức tượng Jowo Sakyamuni - tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng vàng, được xem là biểu tượng thiêng liêng và cổ kính nhất tại Tây Tạng.
Tu viện Drepung là một trong những tu viện lớn và có lịch sử lâu đời nhất ở Tây Tạng, từng là nơi tu học của các vị Đạt Lai Lạt Ma trước khi cung điện Potala được xây dựng. Được thành lập vào năm 1416 bởi Jamyang Chojey, đệ tử của Tsongkhapa - nhà sáng lập dòng Gelug (Hoàng Mạo) của Phật giáo Tây Tạng, tu viện Drepung đã trở thành trung tâm học thuật lớn nhất và là nơi cư ngụ của hơn 10.000 nhà sư - đông nhất trong lịch sử Tây Tạng. Nằm trên sườn núi Gambo Utse, cách trung tâm Lhasa khoảng 5 km, tu viện có kiến trúc rộng lớn và ấn tượng, gồm các khu nhà học tập, chùa chính và các cơ sở sinh hoạt cộng đồng. Drepung cũng là nơi diễn ra lễ hội Shoton, một trong những lễ hội quan trọng của Tây Tạng, với màn trình diễn vải thangka khổng lồ và các buổi diễn nghệ thuật đặc sắc.
Nằm trên sườn đồi ở phía bắc Lhasa, với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp bao quanh, tu viện Sera là trung tâm học tập và tu hành quan trọng ở Tây Tạng, nơi đã đào tạo ra nhiều học giả Phật giáo xuất sắc. Được thành lập vào năm 1419 cũng bởi Jamchen Chojey, đệ tử của Tsongkhapa, kiến trúc tu viện mang đậm nét truyền thống Tây Tạng với các phòng học, đền thờ và sân tranh luận. Điểm nổi bật nhất của tu viện Sera là các buổi tranh luận triết học hàng ngày, nơi các nhà sư thảo luận về giáo lý Phật giáo. Những cuộc tranh luận này không chỉ là cách học tập mà còn là phương pháp rèn luyện tư duy và sự hiểu biết về Phật pháp. Đây cũng là hoạt động thu hút nhiều khách du lịch đến chiêm ngưỡng.
Nằm cách Lhasa khoảng 100 km về phía tây nam, hồ Yamdrok có hình dạng độc đáo, uốn lượn như một dải lụa xanh ngọc giữa núi non bạt ngàn. Hồ nằm ở độ cao hơn 4.400 mét, được bao quanh bởi những ngọn núi phủ tuyết trắng. Nước hồ có màu xanh lam ngọc bích, trong suốt, mang đến cho nơi đây cảnh sắc vừa thơ mộng vừa huyền bí. Đối với người dân Tây Tạng, hồ Yamdrok được coi là nơi linh thiêng, đem lại sức sống và phúc lành cho toàn bộ vùng đất xung quanh. Người dân tin rằng nếu hồ này cạn nước, Tây Tạng sẽ mất đi sự sống và thịnh vượng.
Hồ Namtso (còn gọi là “Hồ Trời”) là một trong những hồ nước mặn cao nhất thế giới, tọa lạc ở độ cao 4.718 mét, cách Lhasa khoảng 240 km về phía tây bắc. Hồ nằm trải dài trên một diện tích rộng lớn, với những dãy núi tuyết phủ trắng bao quanh. Màu xanh trong của nước hồ hòa quyện cùng bầu trời cao vời vợi vẽ nên phong cảnh thiên nhiên hoang sơ mà ngoạn mục. Namtso cũng là một địa điểm hành hương quan trọng đối với Phật tử Tây Tạng. Vào mỗi năm Tý theo lịch Tây Tạng, hàng nghìn người hành hương đổ về đây để thực hiện nghi lễ Kora (đi bộ vòng quanh hồ) nhằm cầu nguyện cho sự thanh tịnh và phúc lành. Du khách tới đây có thể tham gia hoạt động cắm trại bên bờ hồ và tận hưởng thời khắc bình minh hay hoàng hôn - những khoảnh khắc đẹp huyền ảo như lạc vào cõi trời.
Nằm gần núi Kailash, ở độ cao 4.590 mét, Manasarovar là một trong những hồ nước ngọt cao nhất thế giới và có giá trị tâm linh sâu sắc trong cả Phật giáo, Ấn Độ giáo và đạo Bon. Với hình dạng tròn hoàn hảo và được bao quanh bởi dãy núi Himalaya hùng tráng, hồ có mặt nước trong suốt, phản chiếu bầu trời và những ngọn núi tuyết ấn tượng. Trong Ấn Độ giáo, Manasarovar là nơi các vị thần tắm gội và thanh lọc tâm hồn. Người dân tin rằng, một khi tắm trong hồ hoặc uống nước từ Manasarovar, họ sẽ được thanh tẩy mọi tội lỗi và đạt được sự giải thoát. Đối với Phật giáo, hồ Manasarovar cũng mang ý nghĩa thanh tịnh và giác ngộ. Đây là một trong những điểm hành hương linh thiêng nhất trong đời sống tinh thần của người Tây Tạng.
Đây là một ngọn núi thiêng liêng nổi tiếng nằm ở khu vực Tây Tạng, thuộc dãy Himalaya, với độ cao khoảng 6.638 mét. Núi Kailash được coi là nơi ngự trị của các vị thần trong nhiều tôn giáo. Trong Ấn Độ giáo, đây là nơi thần Shiva cư ngụ và tu hành, trong khi với Phật giáo, đây là trung tâm vũ trụ và tượng trưng cho sự giác ngộ. Với Kỳ Na giáo, núi Kailash là nơi vị thần đầu tiên của họ - Moksha - đạt được sự giải thoát, và trong đạo Bon - tôn giáo cổ xưa của Tây Tạng, đây là nơi khởi nguồn của thế giới. Cảnh sắc nơi đây đẹp mê hoặc, mang lại chốn an lạc giữa thiên nhiên bao la.
Một trong những trải nghiệm hấp dẫn nhất tại núi Kailash là hành hương Kora - hành trình đi bộ quanh ngọn núi, dài khoảng 52 km. Đối với nhiều người, hoàn thành hành trình này mang lại ý nghĩa tâm linh vô cùng lớn, tượng trưng cho sự thanh tẩy nghiệp chướng và đạt được bình an nội tâm. Tuy nhiên, do địa hình khắc nghiệt và độ cao lớn, đây là thử thách không dễ dàng và yêu cầu sự kiên nhẫn, sức khỏe cùng lòng quyết tâm cao, chắc chắn sẽ mang lại một trải nghiệm đầy ý nghĩa về cả về thể chất lẫn tinh thần.
Núi Everest nằm trên đỉnh dãy Himalaya vĩ đại, với độ cao 8.849 mét, là đỉnh núi cao nhất thế giới, thuộc địa phận ranh giới của cả Tây Tạng và Nepal. Phía bắc của Everest thuộc về Tây Tạng, nơi có các điểm du lịch nổi tiếng như Trại căn cứ Everest và Tu viện Rongbuk. Đây là những địa danh lý tưởng cho cả những nhà leo núi lẫn những người muốn chiêm ngưỡng cảnh quan ngoạn mục nơi “nóc nhà của thế giới”.
Trại căn cứ Everest (Everest Base Camp) ở phía bắc Tây Tạng là một trong hai điểm khởi đầu cho hành trình leo núi Everest, nằm ở độ cao trên 5.300 mét. Đây là nơi tập trung của các nhà leo núi trước khi họ bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Everest từ phía Bắc. Trại căn cứ này mang đến một tầm nhìn trọn vẹn để thưởng thức vẻ đẹp của Everest, với đỉnh núi luôn phủ tuyết trắng nổi bật trên nền trời xanh. Cảm giác đứng tại nơi cao nhất thế giới, được bao quanh bởi những dãy núi hùng vĩ của dãy Himalaya, là một trải nghiệm không thể nào quên. Đặc biệt, du khách đến trại căn cứ không cần phải là những người leo núi chuyên nghiệp. Trại căn cứ này đã được cải tạo và có thể di chuyển đến đây bằng xe hơi, rất thuận tiện cho khách du lịch.
Ngoài ra ở khu vực này còn có tu viện Rongbuk - tu viện Phật giáo Tây Tạng cao nhất thế giới, với độ cao 5.009 mét so với mực nước biển, chỉ cách trại căn cứ Everest vài km. Được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, tu viện này là nơi cư trú của các nhà sư và ni cô, cũng là một điểm dừng chân quan trọng cho những người hành hương và các nhà leo núi. Từ Rongbuk, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh đỉnh Everest từ phía xa. Cảnh quan xung quanh tu viện với những dãy núi hùng vĩ và thung lũng sâu thẳm mang đến cho du khách một cảm giác bình an và thanh tịnh giữa thiên nhiên khắc nghiệt.
Hay còn được gọi là Đại Vực Tây Tạng, đây là hẻm núi sâu nhất và dài nhất hành tinh, vượt qua cả Grand Canyon ở Mỹ, với chiều dài khoảng 500 km và độ sâu trung bình từ 3.000 đến 5.000 mét. Đây là một điểm du lịch tự nhiên đầy ấn tượng ở Tây Tạng, nơi hội tụ của các dòng sông chảy xiết, dãy núi cao chót vót, vách đá dựng đứng, thác nước Brahmaputra hùng vĩ và một hệ sinh thái vô cùng đa dạng, quý hiếm.
Không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên, thung lũng Yarlung Tsangpo còn có giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, là nơi bắt nguồn nhiều truyền thuyết và câu chuyện tâm linh của Tây Tạng. Những con đường trekking dọc theo sông Yarlung Tsangpo và các dãy núi xung quanh là một thách thức đối với cả những người leo núi kinh nghiệm. Nhiều du khách chọn khám phá thung lũng qua các chuyến trekking kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, trải qua những địa hình gồ ghề và cảnh quan tuyệt đẹp.
Ngoài ra, với dòng sông Yarlung Tsangpo chảy xiết qua các thác nước, hoạt động chèo thuyền vượt thác (rafting) đã trở thành một lựa chọn mạo hiểm dành cho những ai muốn thử thách bản thân. Tuy nhiên, việc chèo thuyền tại đây rất nguy hiểm và đòi hỏi phải có kinh nghiệm chuyên môn cao.
Shigatse là thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng, đóng vai trò là một trung tâm kinh tế, chính trị và tôn giáo quan trọng, là cửa ngõ giao thương lớn giữa Tây Tạng và Nepal. Các đoàn lữ hành truyền thống thường xuyên qua lại, buôn bán các sản phẩm từ Tây Tạng, như len, lúa mạch và thảo dược. Nơi đây còn có tu viện Tashilhunpo nổi tiếng - trụ sở của Ban Thiền Lạt Ma, được thành lập vào năm 1447 bởi Gyalwa Gendun Drup - vị Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên. Tashilhunpo là một quần thể kiến trúc rộng lớn với nhiều đền thờ, phòng học, nổi bật nhất là tượng Phật Di Lặc cao 26 mét, được làm bằng đồng và vàng rất nguy nga.
Bên cạnh đó còn có cung điện Shigatse Dzong, được xây dựng trên một ngọn đồi cao nhìn xuống thành phố, từng là nơi ở của các vị vua Tây Tạng trước khi tu viện Tashilhunpo trở thành trung tâm tôn giáo. Cung điện này là một biểu tượng của quyền lực và lịch sử, mang lại góc nhìn sâu sắc về quá khứ huy hoàng của Shigatse.
Shigatse cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội văn hóa và tôn giáo lớn, trong đó nổi bật là lễ hội Phật giáo Tashilhunpo Thangka, thu hút hàng nghìn người hành hương và du khách đến từ khắp nơi. Du khách đến Shigatse có cơ hội khám phá các khu chợ địa phương, nơi bày bán nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang phục truyền thống và các loại thảo dược quý của Tây Tạng. Tham gia các nghi lễ tôn giáo và học hỏi về tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng cũng là một phần quan trọng của hành trình. Ngoài ra, đừng quên thưởng thức ẩm thực Shigatse mang đậm hương vị Tây Tạng, với các món ăn truyền thống như thịt bò yak hay trà bơ.
- Hộ chiếu: Đảm bảo còn hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh vào Trung Quốc.
- Visa Trung Quốc: Cần xin trước khi đi. Bạn có thể tự xin hoặc qua dịch vụ của PYS Travel, xem thêm Hướng dẫn xin visa Trung Quốc.
- Giấy phép du lịch Tây Tạng: Tây Tạng là khu vực có quy định chặt chẽ về du lịch, vì vậy du khách nước ngoài cần có Giấy phép du lịch Tây Tạng (Tibet Travel Permit) do chính quyền Tây Tạng cấp. Bạn không thể tự xin giấy phép này mà phải thông qua các công ty du lịch được cấp phép. Hãy đặt tour và xin giấy phép trước khi lên kế hoạch du lịch. Ngoài ra, một số khu vực khác như Everest Base Camp hoặc tu viện Tashilhunpo cũng yêu cầu giấy phép đặc biệt, mà bạn có thể xin qua công ty du lịch.
- Bản sao các giấy tờ quan trọng: Đề phòng trường hợp mất mát, nên có bản sao giấy tờ như hộ chiếu, visa, vé máy bay khứ hồi và thông tin liên hệ khẩn cấp.
- Tiền mặt và thẻ tín dụng: Mang theo một ít tiền mặt Nhân dân tệ (RMB) và thẻ tín dụng phòng hờ.
- Bản đồ và Ghi chú địa chỉ quan trọng: Ghi chú lại địa chỉ khách sạn và các điểm du lịch chính.
- Số điện thoại của HDV bản địa và Việt Nam.
- Trang phục giữ ấm: Tây Tạng có khí hậu lạnh, đặc biệt là vào buổi tối và mùa đông. Cần mang theo quần áo ấm, áo khoác gió hoặc áo lông cừu giữ nhiệt sẽ là lựa chọn tối ưu. Ngoài ra, nhiệt độ ở Tây Tạng thay đổi nhanh chóng trong ngày, vì vậy nên mặc nhiều lớp áo để dễ điều chỉnh. Tây Tạng nằm ở độ cao lớn, không khí có thể loãng và khô gây khó chịu, nên mang theo khẩu trang để giúp bảo vệ đường hô hấp khỏi bụi và không khí khô.
- Giày leo núi hoặc giày thể thao chắc chắn: Địa hình Tây Tạng chủ yếu là núi non và cao nguyên, nên giày chống trơn, chống thấm nước là rất quan trọng.
- Găng tay, khăn choàng và mũ len: Cần để giữ ấm trong những ngày lạnh và buổi tối.
- Kính râm và kem chống nắng: Do độ cao lớn và ánh nắng mạnh ở Tây Tạng, kính râm và kem chống nắng có chỉ số SPF cao là rất quan trọng để bảo vệ mắt và da.
- Son dưỡng và kem dưỡng da: Do khí hậu vùng cao khô và khắc nghiệt, da dễ bị khô nẻ, đặc biệt khi bạn di chuyển ở vùng sa mạc.
- Thiết bị điện tử: Điện thoại, máy ảnh, sạc dự phòng, bộ chuyển đổi ổ cắm (vì Trung Quốc sử dụng ổ cắm khác so với nhiều quốc gia).
- Thuốc men cá nhân: Chuẩn bị các loại thuốc cơ bản như thuốc chống say độ cao, thuốc dị ứng, chống côn trùng, đau đầu, tiêu hóa.
- Đồ vệ sinh cá nhân: Mang theo đồ dùng cá nhân như bàn chải, khăn mặt và sữa tắm để tiện lợi hơn khi đi du lịch.
Khí hậu Tây Tạng mang tính chất khắc nghiệt do ảnh hưởng của độ cao. Mùa hè tại đây ngắn ngủi và mát mẻ, trong khi mùa đông kéo dài với thời tiết lạnh giá, nhiệt độ có thể giảm xuống dưới 0°C. Do đặc thù địa lý, khí hậu của Tây Tạng còn có sự khác biệt lớn giữa ngày và đêm - ban ngày nắng ấm nhưng ban đêm lại rất lạnh. Vì vậy, thời gian lý tưởng nhất để du lịch Tây Tạng là từ tháng 4 đến tháng 10, khi thời tiết khá dễ chịu và thuận lợi cho các hoạt động tham quan, khám phá. Trong khoảng thời gian này, khí hậu Tây Tạng ôn hòa hơn, đặc biệt là vào mùa hè và đầu thu, khi nhiệt độ không quá lạnh, phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với bầu trời xanh trong cùng không gian thoáng đãng.
Vào mùa xuân, nhiệt độ Tây Tạng bắt đầu ấm dần lên, ban ngày nắng nhẹ, nhưng ban đêm vẫn khá lạnh, đặc biệt là vào đầu mùa. Nhiệt độ dao động từ 5°C đến 15°C. Đây là thời gian lý tưởng để chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hồi sinh sau mùa đông, với các ngọn núi tuyết vẫn còn phủ trắng và cỏ cây xanh tươi trên cao nguyên.
Mùa hè ở Tây Tạng tương đối dễ chịu, nhiệt độ trung bình từ 10°C đến 25°C vào ban ngày. Đây cũng là mùa mưa, dù lượng mưa không nhiều, chủ yếu tập trung vào tháng 7 và tháng 8. Thời điểm này là lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời như thăm các tu viện, hồ thiêng, và các khu vực núi cao như trại căn cứ Everest. Bầu trời xanh, ít mây và không khí trong lành. Tuy nhiên, mặc dù ban ngày ấm áp, nhiệt độ về đêm có thể giảm đáng kể, vì vậy vẫn cần mang theo áo khoác ấm và quần áo chống nước nếu đi vào tháng mưa.
Mùa thu được coi là mùa đẹp nhất để du lịch Tây Tạng, với nhiệt độ ôn hòa từ 8°C đến 18°C. Mưa hầu như không còn và bầu trời trong xanh, nắng nhẹ, mang đến tầm nhìn rõ để nhìn ngắm thiên nhiên, là thời điểm tuyệt vời để chụp ảnh và khám phá những núi non bao la, hồ nước trong vắt và thảm cỏ cao nguyên chuyển màu vàng rực rỡ. Du khách cũng có thể tham gia các lễ hội văn hóa truyền thống của mùa thu như lễ hội Thangka… Cần lưu ý ban đêm trời vẫn khá lạnh, vì vậy cần chuẩn bị áo ấm khi ra ngoài.
Lễ hội Thangka (Ảnh: sưu tầm)
Mùa đông ở Tây Tạng rất lạnh, với nhiệt độ có thể xuống dưới 0°C, đặc biệt ở các vùng núi cao. Ban ngày nhiệt độ có thể dao động từ -10°C đến 10°C, nhưng ban đêm thường lạnh buốt, nhiều nơi có tuyết rơi. Dù thời tiết khắc nghiệt là vậy, song mùa đông lại là thời điểm tốt để trải nghiệm cuộc sống yên bình của người dân Tây Tạng, cũng như tham gia các nghi lễ tôn giáo đặc sắc tại các tu viện. Các địa điểm nổi tiếng như Lhasa hay Shigatse ít khách du lịch hơn, tạo điều kiện cho những chuyến tham quan thanh tịnh và sâu sắc. Nếu du lịch vào mùa đông, cần chuẩn bị trang phục giữ ấm tốt, giày chống trơn trượt và sẵn sàng đối mặt với khí hậu lạnh giá cùng không khí loãng.
Trà bơ là thức uống truyền thống của người Tây Tạng, được làm từ trà đen, bơ Yak và muối. Đây là thức uống mang tính biểu tượng, không chỉ để thưởng thức mà còn giúp giữ ấm và chống lại cái lạnh khắc nghiệt ở vùng cao nguyên. Trà bơ có hương vị béo ngậy, mặn và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Tây Tạng.
Tsampa là món ăn cơ bản và phổ biến nhất ở Tây Tạng, được làm từ bột lúa mạch rang thơm bùi trộn với trà bơ hoặc sữa béo ngậy. Đây là món ăn cung cấp nhiều năng lượng, dễ tiêu hóa và rất tiện lợi cho người dân địa phương cũng như du khách trong những chuyến đi đường dài.
Thịt bò Yak là một nguồn protein quan trọng trong chế độ ăn của người Tây Tạng, được chế biến theo nhiều cách khác nhau như nướng, hấp, chiên, hoặc phơi khô. Thịt bò Yak có vị đậm đà và giàu dinh dưỡng, rất phù hợp để chống lại cái lạnh của cao nguyên. Món thịt bò Yak phơi khô (Jerky Yak) được người dân địa phương yêu thích vì dễ bảo quản và tiện lợi cho những chuyến hành hương hoặc du lịch dài ngày.
Thukpa là một loại mì nước truyền thống của Tây Tạng, thường được nấu với thịt bò Yak hoặc thịt gà, rau và các loại gia vị địa phương. Món này thường được ăn nóng để giữ ấm cơ thể trong điều kiện thời tiết lạnh. Thukpa là món ăn phổ biến trong các gia đình Tây Tạng và cũng là lựa chọn lý tưởng cho những bữa ăn ấm áp, bổ dưỡng sau một ngày tham quan.
Momo là sủi cảo hấp hoặc chiên, được nhồi thịt (thường là thịt bò Yak, thịt cừu) và rau. Món ăn này khá giống với sủi cảo của các nước láng giềng như Nepal hay Ấn Độ, nhưng có hương vị đặc trưng Tây Tạng nhờ cách tẩm ướp gia vị. Momo thường được ăn kèm với nước chấm cay hoặc súp, và là một trong những món ăn đường phố phổ biến nhất ở đây.
Gyuma là loại xúc xích truyền thống của Tây Tạng, làm từ huyết bò Yak hoặc huyết cừu và các loại gia vị. Món này có vị đậm đà, thơm mùi thịt và gia vị, thường được chế biến nướng hoặc hấp. Đây là một món ăn có hương vị mạnh mẽ và đặc trưng, thường được người dân địa phương dùng trong các dịp lễ hội hoặc bữa ăn gia đình.
Sữa chua Yak là món tráng miệng quen thuộc và bổ dưỡng của người Tây Tạng. Sữa bò Yak có độ béo cao và hương vị đậm đà, khi được chế biến thành sữa chua thì rất thơm ngon và giàu dinh dưỡng, thường được ăn kèm với mật ong hoặc đường để tăng thêm hương vị ngọt ngào, giúp bữa ăn thêm trọn vẹn.
Khăn Khatag là món quà tượng trưng cho sự may mắn và lòng thành kính của người Tây Tạng. Khăn thường có màu trắng, biểu trưng cho sự tinh khiết và hòa bình. Khatag được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, lễ chào hỏi hoặc khi đến thăm nhà người dân Tây Tạng. Du khách có thể mua khăn Khatag làm quà tặng như một lời chúc bình an và may mắn cho người nhận.
Trang sức Tây Tạng thường được làm thủ công từ bạc, đồng hoặc các kim loại quý khác, kết hợp với đá quý như ngọc lam, hổ phách hay san hô đỏ. Những món trang sức này mang đậm dấu ấn tôn giáo và văn hóa Phật giáo Tây Tạng, với các biểu tượng như hoa sen, bánh xe luân hồi, và chữ Om.
Chuỗi hạt Mala là một loại chuỗi hạt thường được các tín đồ Phật giáo sử dụng để cầu nguyện và thiền định. Mỗi chuỗi thường có 108 hạt, mang ý nghĩa thiêng liêng trong Phật giáo. Hạt Mala được làm từ gỗ, đá quý, hoặc xương bò Yak.
Phô mai từ sữa bò Yak là những sản phẩm đặc trưng của vùng cao nguyên Tây Tạng. Sữa Yak có hàm lượng dinh dưỡng cao, hương vị đậm đà, rất tốt cho sức khỏe. Bạn có thể mua những sản phẩm này về làm quà để giới thiệu cho gia đình và bạn bè một món đặc sản Tây Tạng độc đáo.
Thangka là tranh cuộn Tây Tạng, vẽ tay hoặc thêu bằng lụa, thể hiện các hình ảnh Phật giáo hoặc các biểu tượng tâm linh. Thangka không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là vật phẩm tâm linh, được treo trong các tu viện và nhà cửa để cầu may mắn. Một bức Thangka là món quà tuyệt vời cho những ai yêu thích nghệ thuật và có niềm tin vào Phật giáo.
Tây Tạng nổi tiếng với các loại thảo dược thiên nhiên, được sử dụng trong y học cổ truyền Tây Tạng. Các loại thảo dược phổ biến bao gồm nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, nhân sâm và các loại thuốc bổ giúp tăng cường sức khỏe.
Thảm Tây Tạng được làm thủ công từ lông cừu hoặc lông Yak, nổi tiếng với hoa văn tinh tế và độ bền cao. Thảm có nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau, thường được dùng làm đồ trang trí nhà cửa hoặc dùng trong các nghi lễ tôn giáo. Mua một tấm thảm Tây Tạng không chỉ là món quà giá trị mà còn thể hiện sự trân trọng với nghệ thuật thủ công truyền thống của người dân nơi đây.
Mua sắm ở Tây Tạng là một trải nghiệm thú vị khi bạn có cơ hội khám phá văn hóa, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ đặc trưng của vùng đất này. Để có một chuyến mua sắm suôn sẻ, bạn có thể tham khảo những kinh nghiệm sau:
- Chọn đúng chợ và khu mua sắm: Một số khu chợ được biết đến nhiều như:
+) Chợ Barkhor (Lhasa): Đây là khu chợ nổi tiếng nhất ở Lhasa, nằm xung quanh tu viện Jokhang. Chợ Barkhor là nơi lý tưởng để mua các món quà lưu niệm như trang sức bạc, chuỗi hạt Mala, tượng Phật, thảm Tây Tạng và các vật phẩm tôn giáo. Ngoài ra, chợ cũng bán nhiều loại đặc sản Tây Tạng như trà bơ, thảo dược và sữa chua Yak.
+) Chợ Shigatse: Đây là nơi bạn có thể tìm thấy nhiều mặt hàng địa phương với giá cả hợp lý hơn so với Lhasa. Các mặt hàng phổ biến bao gồm đồ thủ công mỹ nghệ, thảm và trang phục truyền thống Tây Tạng.
+) Cửa hàng nghệ thuật và thủ công: Ở các thành phố lớn như Lhasa, bạn cũng có thể tìm thấy các cửa hàng chuyên bán đồ thủ công mỹ nghệ Tây Tạng chất lượng cao, như thảm, tượng Phật, và tranh Thangka được làm thủ công bởi các nghệ nhân địa phương.
- Thương lượng giá cả: Ở các khu chợ địa phương, việc trả giá là điều bình thường. Đừng ngại ngùng khi mặc cả, vì giá ban đầu mà người bán đưa ra thường cao hơn giá thực tế. Bạn có thể trả giá từ 50% giá ban đầu tùy vào sản phẩm cho đến khi thương lượng được mức giá ưng ý.
- Kiểm tra chất lượng sản phẩm: Khi mua đồ thủ công mỹ nghệ như trang sức bạc, tranh Thangka, hay thảm Tây Tạng, bạn nên kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm. Đối với trang sức, hãy đảm bảo rằng bạc thật, không bị pha trộn với các kim loại khác. Với tranh Thangka, bạn nên chú ý đến chi tiết, màu sắc và chất liệu để xác định giá trị thực. Nếu bạn mua các vật phẩm tôn giáo như tượng Phật, bánh xe cầu nguyện, hoặc chuỗi hạt Mala, hãy đảm bảo rằng chúng được chế tác cẩn thận và từ các vật liệu chất lượng cao. Đồ thủ công giả có thể được bày bán tại nhiều nơi, vì vậy hãy mua từ những cửa hàng uy tín.
- Chuẩn bị tiền mặt: Mặc dù các thành phố lớn như Lhasa có nhiều cây ATM và một số cửa hàng chấp nhận thẻ tín dụng, nhưng phần lớn các khu chợ và cửa hàng nhỏ ở Tây Tạng chỉ chấp nhận tiền mặt. Vì vậy, bạn nên mang theo đủ Nhân dân tệ (RMB) để chi tiêu. Khi giao dịch bằng tiền mặt, hãy cẩn thận kiểm tra số tiền thừa trước khi rời quầy để tránh bị nhầm lẫn hoặc lừa đảo.
- Say độ cao: Tây Tạng nằm trên cao nguyên với độ cao trung bình từ 4.500 mét so với mực nước biển, rất dễ gây ra hiện tượng say độ cao. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau đầu, khó thở, chóng mặt, ù tai và mệt mỏi. Nên dành vài ngày đầu để nghỉ ngơi, thích nghi với độ cao trước khi tham gia các hoạt động mạnh, uống nhiều nước và tránh uống rượu.
- Tôn trọng văn hóa và tôn giáo: Tây Tạng là vùng đất có nền văn hóa và tôn giáo Phật giáo sâu sắc. Khi thăm các tu viện, đền thờ hay những địa điểm tôn giáo, bạn cần tuân thủ các quy tắc ứng xử như: không chụp ảnh bên trong các đền chùa và tu viện mà không xin phép, mặc trang phục kín đáo, đi theo chiều kim đồng hồ khi tham quan các tu viện hoặc vòng quanh các bánh xe cầu nguyện, và không chạm vào tượng Phật hoặc các hiện vật tôn giáo nếu không có sự cho phép.
- Kết nối Internet: Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ Internet, nhiều trang web và ứng dụng phổ biến như Google, Facebook và Instagram sẽ bị chặn. Hãy chuẩn bị một ứng dụng VPN nếu bạn cần truy cập các dịch vụ này. Bạn có thể mua sim du lịch tại sân bay hoặc các cửa hàng tiện lợi để sử dụng dịch vụ dữ liệu di động và giữ liên lạc trong suốt chuyến đi.
- Giao thông di chuyển: Tây Tạng có địa hình hiểm trở và nhiều khu vực xa xôi, do đó việc di chuyển giữa các địa điểm không hề dễ dàng. Các con đường có thể bị hư hỏng do thời tiết, vì vậy bạn nên chuẩn bị tâm lý cho việc di chuyển chậm và có thể thay đổi lịch trình. Phần lớn các tour du lịch đều cung cấp phương tiện di chuyển bằng ô tô hoặc xe buýt, nhưng nếu bạn có ý định tự lái xe, cần phải có giấy phép lái xe tại Trung Quốc và phải quen với điều kiện đường sá phức tạp.