Chùa Ba Vàng là địa danh lọt top những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Việt Nam. Ngôi chùa nằm trên núi cùng sở hữu tòa chính diện với diện tích lớn nhất nước ta. Vậy Chùa Ba Vàng ở đâu, tại Chùa Ba Vàng có gì mà thu hút nhiều tín đồ đến như vậy? Cùng PYS Travel khám phá ngay trong bài viết dưới đây!
Chùa Ba Vàng thuộc thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, nơi đây còn được biết đến với tên gọi khác là Bảo Quang Tự. Đây là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng. Có thể nói rằng, Bảo Quang Tự sở hữu vị trí cực kỳ phong thủy với “tiền giang, hậu sơn”, hai bên chùa là những rừng thông xanh ngát với phong cảnh hữu tình.
Toàn cảnh chùa Ba Vàng (Ảnh: Sưu tầm)
Trụ trì chùa Ba Vàng là Đại Đức Thích Trúc Thái Minh. Cũng giống như nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam, Bảo Quang Tự thờ Phật, thờ Mẫu và thờ Đức Ông. Trong chùa có nhiều pho tượng bằng gỗ được đặt ở các vị trí bàn thờ khác nhau như: Tam Thế, Tam Bảo, Phật A Di Đà…
- Địa chỉ chùa Ba Vàng: phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh
- Giờ mở cửa: 06:30. Thời gian đóng cửa tùy theo ngày lễ của chùa, từ 19:30 – 22:00
Lịch sử hình thành và phát triển của Bảo Quang Tự trải qua nhiều biến cố, thăng trầm. Chùa trải qua bốn lần trùng tu, mỗi lần trung tu và phục dựng đều tương ứng với thời gian, mức độ cũng như quy mô khác nhau.
Năm 1987: Đây được xem là dấu mốc tìm ra ngôi chùa cổ bắt nguồn từ câu chuyện ông lão nông tìm đàn bò thất lạc.
Khoảng thế kỷ thứ XIII (thời nhà Trần): Thực tế không có tài liệu lịch sử ghi chép rõ ràng về sự hình thành của chùa Ba Vàng. Tuy nhiên, dựa vào hoa văn, họa tiết trên những viên gạch ngói mà người dân tìm được thì có thể khẳng định ngôi chùa tồn tại vào khoảng thế kỷ thứ XIII, khi vua Trần Nhân Tông về Yên Tử và sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm.
Năm 1706: Đây là lần trùng tu đầu tiên của chùa đồng thời là sự kiện đánh dấu sự khơi dậy và nối lại dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 3 thế kỷ gián đoạn. Chùa được Ngài Thiền Sư Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác chủ trì và vận động nhân dân cùng Phật tử thập phương phục dựng tại núi Ba Vàng, trên nền ngôi chùa cổ.
Năm 1988: Sau nhiều năm tháng bị chiến tranh tàn phá, nhiều người dân lên chùa và phát hiện ra những phế tích còn lại của chùa xưa nên mong muốn được khôi phục. Do đó Thị ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí) đã trùng tu và xây dựng ngôi chùa bằng gỗ.
Năm 1993: Do chùa bị xuống cấp nặng nề nên Ban tôn tạo di tích của thành phố Uông Bí đã trùng tu lại chùa Ba Vàng bằng xi măng, gạch ngói.
Năm 2007: Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh nhận trách nhiệm về trụ trì chùa Ba Vàng, đồng thời tiến hành trùng tu, xây dựng chùa nguy nga, tráng lệ.
Sau lần trùng tu cuối cùng này, vào năm 2014 chùa Ba Vàng được Hội kỷ lục gia Việt Nam công nhận là “Ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Đông Dương”. Đồng thời nhận bằng khen từ “Ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất Việt Nam” bởi Tổ chức kỷ lục Việt Nam.
Chùa Ba Vàng có lịch sử lâu đời (Ảnh: Sưu tầm)
Ba Vàng là ngôi chùa sở hữu kiến trúc vô cùng độc đáo, tiêu biểu cho kết cấu của các ngôi chùa truyền thống vùng Bắc Bộ. Khuôn viên chùa thiết kế công phu, tạo cảnh quan đẹp dựa trên địa thế tự nhiên nằm trên đỉnh núi của chùa. Tam quan nội gồm 3 cửa hình vòm, phía trên cửa là lầu chuông lợp ngói, các góc mái được gắn tượng linh vật Long, Lân, Quy, Phụng vô cùng trang nghiêm.
Trước tam quan nội là hồ nước hình bán nguyệt được bố trí tiểu cảnh, ghế đá, cây xanh. Giữa hồ có ngôi chùa được thiết kế mô phỏng với chùa Một Cột, tọa trên lá sen vô cùng cách điệu. Đặc biệt, kiến trúc độc đáo của chùa Ba Vàng còn được tạo điểm nhấn nhờ những bức tượng được thiết kế ấn tượng, mang ý nghĩa tâm linh vô cùng sâu sắc.
Kiến trúc chùa Ba Vàng (Ảnh: Sưu tầm)
Du khách đến với chùa Ba Vàng sẽ dễ dàng bị thu hút với lối kiến trúc riêng biệt và con người giản dị nơi này. Hãy cùng điểm qua vài tọa độ check-in dưới đây:
Rừng thiền với kết cấu không gian mở, chia làm nhiều hướng rẽ, hai bên được bao phủ bởi hàng trúc, vào sâu hơn nữa là mái nhà Rông với bàn trà nhỏ,... Gạt đi những bộn bề cuộc sống, tìm về nơi an yên, tĩnh lặng trong tâm hồn,… đó là những gì mà không gian rừng thiền chùa Ba Vàng sẽ mang lại.
Rừng thiền tại chùa Ba Vàng (Ảnh: Sưu tầm)
Hãy cùng bước đến một vùng đất bình yên với những ngôi nhà đậm chất “thiền”. Không gian nơi đây giúp con người ta rời xa những ồn ào của cuộc sống, chậm lại để tìm đến sự bình an nơi tâm.
Vườn thiền tại chùa Ba Vàng (Ảnh: Sưu tầm)
Ngôi chùa được xây dựng theo nguyên mẫu chùa Một Cột ở Hà Nội. Chùa Một Cột tại Ba Vàng nằm giữa hồ Bán Nguyệt, vừa mang đến vẻ uy nghi cổ kính, lại vừa mang phong thái nhẹ nhàng thanh thoát.
Chùa Một Cột (Ảnh: Sưu tầm)
Đặc biệt, địa điểm này còn thu hút bởi sự linh thiêng, khi mà nhiều người tìm đến đây để cầu tự và đã được toại ý.
Đến chùa thì không thể không vào ban thờ chính. Đây là ngôi Chính Điện trên núi lớn nhất Đông Dương. Ngoài ra, bên trong còn được trang trí với 37 bức tranh điêu khắc về cuộc đời Đức Phật, từ lúc sinh đến khi nhập niết bàn.
Khung cảnh chính điện của chùa Ba Vàng (Ảnh: Sưu tầm)
Phía trước Chính Điện là sân chùa (sân Chính Điện) được trang trí theo các sự kiện, lễ hội của chùa, với không gian rộng lớn rất phù hợp để chụp những bức hình đẹp.
Đến chùa Ba Vàng Quảng Ninh bạn nhất định không được bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp trang nghiêm của Tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát trên đài sen. Tượng được điêu khắc từ đá hoa cương với trọng lượng gần 50 tấn, chiều cao 10 mét. Đây cũng là một trong những pho tượng nguyên khối lớn nhất ở Việt Nam.
Tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát (Ảnh: Sưu tầm)
Xá lợi Phật là những hạt kích thước nhỏ, nhiều hình dạng khác nhau, được kết tinh như những viên ngọc, thu lại từ kim thân Đức Phật sau khi hỏa táng. Vậy nên, khi đến chùa Ba Vàng, du khách không nên bỏ qua cơ hội cúng dường xá lợi Phật tại cung thờ. Việc này sẽ mang được phước báu rất tốt đẹp.
Cung thờ xá lợi Phật (Ảnh: Sưu tầm)
Tại vị trí này, bạn cũng có cơ hội được ngắm trọn vẹn cảnh Ba Vàng và thành phố từ trên cao.
Sự kết hợp giữa màu xanh ngọc tuyệt đẹp của đài sen cùng màu trắng “bồng bềnh” của mây trời và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nơi núi rừng, tất cả đã tạo nên một khung cảnh rất đỗi linh thiêng và độc đáo lạ thường.
Tượng Phật đản sinh (Ảnh: Sưu tầm)
Giống như tên gọi, không gian nơi đây rất êm đềm và tĩnh lặng. Dù ngày hay đêm, chỉ cần giơ máy lên, bạn sẽ có ngay những bức hình độc đáo! Dù ngày hay đêm, hồ Tịnh Tâm vẫn nổi bật trước mọi góc máy.
Hồ Tịnh Tâm (Ảnh: Sưu tầm)
Giếng Thần nằm trên núi Thành Đẳng. Tuy ở độ cao hơn 340m so với mực nước biển, nhưng dòng nước chưa bao giờ cạn. Dân gian tương truyền khi nơi này còn là phế tích: Vào đêm giao thừa, ai có duyên uống nước Giếng Thần thì sẽ thấy trong lòng được hoan hỷ và điều đó sẽ mang tới nhiều điều tốt đẹp trong năm. Nước giếng Thần rất trong, ngọt và mát. Bạn có thể xin mang theo để uống hay mang về làm quà.
Giếng Thần chùa Ba Vàng (Ảnh: Sưu tầm)
Tham khảo tour du lịch chùa Ba Vàng của PYS Travel:
Tour Đền Cửa Ông - Chùa Cái Bầu - Chùa Ba Vàng 1 ngày từ Hà Nội
Ẩn mình trong vẻ đẹp hùng vĩ của núi non, quần thể di tích và thắng cảnh Yên Tử mang nét cổ kính trầm mặc, gắn liền với sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam. Nếu bạn đang tìm kiếm một địa điểm cho hành trình tâm linh, du lịch Yên Tử cũng là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
Chùa Yên Tử (Ảnh: Sưu tầm)
Địa chỉ: xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh (Cách chùa Ba Vàng khoảng 20km)
Khu du lịch Hạ Long là một điểm du lịch nổi tiếng không chỉ của miền Bắc, toàn quốc mà trên khắp thế giới. Hạ Long có vịnh biển, có các di sản thế giới, các hoạt động du lịch phong phú, đồ ăn ngon... Một địa điểm du lịch hấp dẫn mà bạn không nên bỏ qua khi tới chùa Ba Vàng.
Khu du lịch Hạ Long (Ảnh: Sưu tầm)
Địa chỉ: Thuộc thành phố Hạ Long, Quảng Ninh (Cách chùa Ba Vàng khoảng 40km)
Đồi Bình Hương được ví von là một thế giới khác tách biệt khỏi nhịp sống thị thành náo nhiệt. Đỉnh núi cao 470 mét, sở hữu thảm thực vật trù phú, tốt tươi cùng tầm nhìn tuyệt vời để ngắm toàn cảnh vùng đất hiền hòa này từ trên cao. Có lẽ, điều làm nên sự đặc sắc và khác biệt của đỉnh Bình Hương Quảng Ninh so với những địa danh khác chính là thảm thực vật trù phú, đa dạng. Đặc biệt, nơi đây được ví von là vùng đất mộng mơ của đất Quảng Ninh với cảnh đồng cỏ cháy ngoạn mục, và hàng thông xanh rì trải dài đến tận chân trời.
Đồi Bình Hương - Quảng Ninh (Ảnh: Sưu tầm)
Địa chỉ: Phường Vàng Danh, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh (Cách chùa Ba Vàng khoảng 13km)
Khi đến với Đỉnh Phượng Hoàng bạn sẽ bị choáng ngợp bởi sự bao la của cảnh quan với đồi cỏ trập trùng và không gian bao la mênh mông. Đừng ở khoảng không rộng lớn bạn sẽ có cảm giác nhẹ bẫng, được buông thả, được hòa vào với đất trời, vô cùng thư thái và tự do. Ban đầu đồi Phượng Hoàng trở nên nổi tiếng với hình ảnh đồi cỏ cháy giống như trời Tây vậy. Thế nhưng đây chỉ là 1 trong 2 trạng thái cảnh sắc đẹp ở nơi đây mà thôi. Đồi Phượng Hoàng có 2 cảnh sắc chính đó là mùa cỏ cháy và mùa cỏ xanh. Mỗi trạng thái đều có những vẻ đẹp riêng biệt khiến bạn rất dễ đắm chìm và muốn khám phá.
Đỉnh Phượng Hoàng (Ảnh: Sưu tầm)
Địa chỉ: Thuộc bản 12 khe, phường Bắc Sơn, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh (cách chùa ba Vàng khoảng 13km)
Chùa Ba Vàng hiện không chỉ là tâm điểm thu hút đông đảo du khách tham quan bởi ưu thế về địa lý với khung cảnh thiên nhiên núi rừng, mà còn là điểm đến diễn ra nhiều lễ hội ấn tượng, đặc sắc. Cùng MIA.vn tìm hiểu một số lễ hội Chùa Ba Vàng mà bạn không nên bỏ lỡ nhé.
Trên tinh thần Phật pháp bất ly thế gian mà giác ngộ, chùa Ba Vàng hằng năm sẽ diễn ra lễ hội khai xuân đầu năm vào mùng 08 tháng tháng Giêng. Vào ngày này, Phật tử và nhân dân thập phương sẽ về chùa tham quan, cúng lễ Phật, kết duyên lành với Tam Bảo và trải nghiệm những bài học thiện lành qua lời Phật dạy.
Lễ hội chùa Ba Vàng dịp đầu năm (Ảnh: Sưu tầm)
Vào mùng 08 tháng Tư âm lịch hằng năm, chùa Ba Vàng lại hân hoan tổ chức Lễ Phật Đản nhằm kỷ niệm ngày đấng Toàn Giác ra đời. Đây cũng là dịp quan trọng để hàng đệ tử Phật tưởng nhớ và dâng lòng thành kính tri ân đến đấng Cha lành ở khắp đất trời. Không những vậy, lễ Phật Đản cũng là mối nhân duyên thù thắng để xương minh, và hoằng dương của pháp Phật.
Đại lễ Phật Đản tại chùa Ba Vàng (Ảnh: Sưu tầm)
Nhắc đến lễ hội Chùa Ba Vàng, bạn không thể bỏ lỡ đại lễ phát Bồ Đề Tâm được ví như tinh túy của Phật Pháp, là tâm giác ngộ và là cha đẻ của mọi công đức. Vào ngày 19 tháng 06 âm lịch hằng năm (nhân ngày vía Đức Bồ Tát Quan Âm), chùa Ba Vàng long trọng tổ chức lễ Đại lễ Phát tâm Bồ Đề để các Phật tử được phát nguyện tu hành, phát đại tâm cho đến ngày thành tựu quả vị Phật.
Lễ Vu Lan hay còn gọi là Lễ Báo Hiếu, là một trong những ngày lễ không chỉ được xếp riêng vào lễ hội chùa Ba Vàng, mà còn là ngày lễ quan trọng với cả dân tộc Việt Nam. Với tinh thần “đạo hiếu là đạo Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, cứ vào tháng 7 âm lịch hằng năm, chùa Ba Vàng lại diễn ra đại lễ Vu Lan Báo Hiếu với tinh thần khơi dậy tâm hiếu hạnh, báo ân của đạo làm con đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp.
Đại lễ Vu Lan báo hiếu (Ảnh: Sưu tầm)
Cứ ba năm một lần, chùa Ba Vàng lại tổ chức lễ hội Hoa Cúc vào ngày 09 tháng 09 âm lịch - Ngày Tết Trùng Cửu. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn trong những lễ hội được tổ chức tại chùa Ba Vàng, mang ý nghĩa sâu sắc về truyền thống và văn hóa dân tộc. Nó hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ, luôn sống với tinh thần đoàn kết, yêu thường và sống với lòng biết ơn.
Chùa Ba Vàng là điểm đến để du khách có thể ghé tham quan bất cứ khi muốn đến một nơi yên tĩnh, thanh tịnh, một nơi yên bình trong tâm hồn. PYS Travel gợi ý cho bạn những thời điểm tham quan khám phá được du khách đến nhiều nhất.
- Dịp lễ Tết, du Xuân đầu năm mới: Vào những dịp lễ Tết, du khách có thể vừa đi chùa cầu sức khỏe bình an, vãn cảnh của ngôi chùa đầy lung linh và hòa mình vào một không khí náo nức nhộn nhịp, đông vui, của rất nhiều phật tử. Ngược lại khi du khách tới chùa Ba Vàng vào những ngày trong tuần, du khách tự do di chuyển, khám phá vẻ đẹp của phong cảnh xung quanh ngôi chùa. Vào ngày trong tuần ngôi chùa cũng thanh vắng hơn, vì thế nhiều du khách có chuyến tham quan Hạ Long sẽ ghé qua chùa Ba Vàng.
- Ngày 8 tháng Giêng Âm lịch: mỗi năm khi vào lễ hội, nổi tiếng với nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến chiêm bái. Đây cũng là thời điểm các tour đi chùa Bà Vàng có nhiều giá ưu đãi, du khách vừa tham gia các hoạt động, chơi xuân.
- Mùng 9 tháng 9 âm lịch: đây là thời điểm du khách có thể tận hưởng chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên với dịp tết Trùng Dương kết hợp với Lễ hội Hoa Cúc vô cùng cuốn hút, thu hút nhiều du khách và các phật tử tới trải nghiệm.
Du lịch chùa Ba Vàng (Ảnh: Sưu tầm)
- Xe khách: Xe tuyến Hà Nội - Uông Bí bạn có thể bắt xe từ các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát,...tùy vào địa điểm của bạn. Về thời gian di chuyển khoảng 2,5 - 3 giờ. Sau khi tới Uông Bí, có thể di chuyển bằng taxi/ xe ôm để lên tham quan chùa Ba Vàng (từ điểm xuống xe khách - chùa khoảng 5km). Các tuyến xe khách từ các tỉnh khác đến Uông Bí, Quảng Ninh cũng đã rất phổ biến.
- Xe limousine: Giá vé xe limousine từ Hà Nội - Uông Bí cao hơn giá xe khách, nhưng sẽ đón tận nhà. Thời gian di chuyển khoảng 2-3 giờ. Bạn có thể báo nhà xe đưa bạn lên đến cổng Đá của chùa. Sau đấy, bạn sẽ gọi taxi/ xe ôm để lên chùa.
- Phương tiện cá nhân: Ngoài ra, các bạn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô). Các tuyến đường đến chùa khá dễ đi, đã có chỉ dẫn đầy đủ trên Google Maps.
Đối với những du khách có sở thích chinh phục, khám phá thì đây là một trải nghiệm thú vị, với cùng đường dễ di chuyển từ Hà Nội – Uông Bí thì đây là lựa chọn hoàn hảo. Du khách có thể đi hướng theo hướng đi cầu Chương Dương – Bắc Ninh – quốc lộ 18 là tới được thành phố Uông Bí. Từ đây du khách có thể dễ dàng xem được đường đi khi tới chùa Ba Vàng bằng cách sử dụng Google Maps, hoặc hỏi thăm người dân địa phương để biết chính xác nhật nhé.
Đường đi chùa Ba Vàng (Ảnh: Sưu tầm)
Hiện nay, chùa Ba Vàng mở cửa miễn phí để mọi người có thể dễ dàng ghé đến tham quan, vãn cảnh, chiêm bái cũng như tham gia các hoạt động khác.
Đến với chùa Ba Vàng, du khách cần chuẩn bị như sau:
- Trang phục: Ăn mặc lịch sự, kín đáo, trang phục nhã nhặn. Với những người mặc không đúng quy định thì sẽ bị ban quản lý chùa nhắc nhở và có thể không được cho vào chùa nếu không chỉnh trang lại trang phục phù hợp.
- Giày dép: Nên chọn đi giày bệt, giày thể thao, giày đế thấp, đi êm chân và thoải mái nhất. Không nên đi giày cao gót vì khuôn viên chùa rất rộng, phải đi bộ nhiều và địa hình đồi cũng khá khó đi bộ.
- Tiền bạc: Du khách nên đổi trước tiền lẻ để sử dụng trong quá trình đi lễ, cúng cầu, bỏ thùng từ thiện…
Trang phục đi chùa đầu năm (Ảnh: Sưu tầm)
- Nếu đi xe tự lái hãy để xe cộ đúng nơi quy định, tuân thủ chỉ dẫn của ban quản lý chùa và nhân viên bảo vệ.
- Không sử dụng ngôn từ bất lịch sự, không lớn tiếng, đùa giỡn nơi cửa phật. Hãy đi nhẹ nói khẽ, ôn hòa và lịch sự.
- Không chen lấn, xô đẩy trong quá trình tham quan, cúng bái. Hãy giữ đúng tinh thần chốn cửa phật.
- Không mang theo những vật nguy hiểm, các chất gây cháy nổ, các chất kích thích như ma túy, chất gây nghiện. Không mang theo văn hóa phẩm đồi trụy và các loại tài liệu, văn bản truyền bá các tư tưởng sai lệch, chưa được sự kiểm duyệt và cho phép của ban quản lý chùa.
- Không đi vào những khu vực đặt biển Cấm, không vào nội viện của các tăng ni
- Không ăn uống, xả rác bừa bãi trong khuôn viên chùa.
- Tuyệt đối không được phép tự ý đánh chuông, đánh trống và đánh các loại pháp khí của chùa.
Chùa Ba Vàng sở hữu lối kiến trúc hoàn hảo, là một điểm đến du lịch tâm linh hoàn hảo với những ai mong muốn sự thanh tịnh, an yên. Còn chần chờ gì mà không book lịch lên kế hoạch để khám phá vùng đất mới thôi. Bạn có thể liên hệ với PYS Travel để được hỗ trợ về lịch trình chi tiết nhất nhé. Chúc bạn và gia đình có chuyến đi thật vui vẻ và hạnh phúc.
Tham khảo tour du lịch chùa Ba Vàng của PYS Travel:
Tour Đền Cửa Ông - Chùa Cái Bầu - Chùa Ba Vàng 1 ngày từ Hà Nội
Tham khảo tour du lịch đang HOT của PYS Travel:
Chùm tour Du xuân - Lễ chùa đầu năm 2025
Tour du lịch Du xuân năm mới 2025
Bản Quyền Hình Ảnh:
PYS Travel luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ về tác phẩm nhiếp ảnh, ảnh chụp của các cá nhân và tổ chức. Chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực liên hệ với tất cả các tác giả có ảnh được sử dụng để xin sự cho phép sử dụng ảnh. Nếu có sự sơ suất hay thiếu sót nào, chúng tôi xin được gửi lời xin lỗi tới các tác giả, chủ sở hữu hình ảnh. Các anh/chị cũng vui lòng gửi phản hồi lại cho PYS Travel: https://pystravel.vn/ban-quyen-hinh-anh
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn